Cà phê xanh lùn Thương hiệu Cà phê Đầu dòng tại Bảo Lộc Lâm Đồng

Cà phê xanh lùn hay Cà phê Trường Sơn 5

Trên thị trường có rất nhiều giống cà phê Robusta quen thuộc với người tiêu dùng: cà phê vối TR4, cà phê Thiện Trường, cà phê xoài… Trong đó, Cà phê xanh lùn hay còn gọi là cà phê Trường Sơn 5 là giống cà phê phổ biến nhất và là giống cà phê năng suất cao nhất hiện nay.

Nguồn gốc giống cà phê Xanh Lùn – Trường Sơn 5

Khởi nghiệp chưa tới 2 ha đất khai phá trồng cà phê thực sinh rồi tự nghiên cứu, thực hành ghép tái canh từ đầu những năm 2000 đến nay, hai anh em Phạm Xuân Trường (sinh năm 1967) và Phạm Quang Sơn (sinh năm 1972) ở xã Ðạm Ri, Bảo Lộc đã chọn tạo ra nhiều loại giống cà phê đầu dòng cao sản mang thương hiệu Trường Sơn, góp phần nâng cao giá trị chuyển đổi trên từng đơn vị diện tích đất ở trong và ngoài tỉnh Lâm Ðồng.

Cà phê xanh lùn – Trường Sơn 5 với 7 tấn nhân/ha

Một ngày tháng 6/2018, phóng viên tìm đến Vườn ươm cà phê Trường Sơn vừa được Sở NN&PTNT Lâm Đồng công nhận nguồn giống cà phê xanh lùn (tên giao dịch là cà phê TS5) đầu dòng ở xã Đạm Bri, Bảo Lộc. Vườn ươm bên cạnh vườn sản xuất trình diễn tổng cộng khoảng 5ha, nằm cách đường nhựa lớn khoảng hơn năm trăm mét, xe tải các loại thuận tiện vận chuyển từng chuyến hàng cây giống cà phê xanh lùn chở đi cung cấp đến nông dân từ trong tỉnh Lâm Đồng nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung và xuôi về các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Một nhà nông trung niên đến từ tỉnh Đồng Nai cho rằng, giống cà phê xanh lùn TS5 thu hoạch niên vụ năm 2017-2018 vừa qua ở khu vườn cà phê của ông và các khu vườn lân cận đạt năng suất đến 7 tấn nhân/ha, giá bán đạt ở mức tương đối cao so với mặt bằng chung của các loại cà phê khác. Mùa mưa năm nay, gia đình ông cùng với những hộ gia đình nông dân khác ở Đồng Nai mở rộng thêm nhiều hecta trồng cà phê xanh lùn giống ghép mới của “Trường Sơn”.

Giống cà phê đầu dòng chất lượng tại Bảo Lộc Lâm Đồng
Người tạo ra giống cà phê đầu dòng chất lượng tại Bảo Lộc Lâm Đồng

Trong lúc điều hành nhân công sắp xếp từng bịch giống cà phê TS5 ghép đưa lên xe tải xuất vườn, chủ nhân Phạm Quang Sơn đưa phóng viên vào giữa khu nhà lưới xanh ngát. Sơn cho biết, để có một cây giống cà phê TS5 xuất vườn phải mất thời gian từ 15-16 tháng ươm trồng trên vùng thổ nhưỡng, khí hậu Đạm Bri, Bảo Lộc. Đầu tiên chọn giống cà phê vối hoặc cà phê mít khỏe mạnh để gieo hạt. Hạt nẩy mầm phát triển thành cây con đến gần một năm sau bắt đầu ghép với đọt cây cà phê xanh lùn đầu dòng. Chăm sóc cây ghép với kỹ thuật riêng biệt của “Trường Sơn” khoảng 3-4 tháng tiếp theo trước khi đưa ra kinh doanh. “TS5 là giống cà phê xanh lùn phù hợp với mật độ trồng 1.500 cây/ha. Đưa ra vườn trồng và cung cấp dinh dưỡng khoảng 30 tháng sinh trưởng sẽ bắt đầu thu trái bói với năng suất 2-3 tấn nhân/ha”, chủ nhân Phạm Quang Sơn thông tin.

20 năm kinh nghiệm ghép cây giống Cà phê đầu dòng

Cụ thể hơn vào tháng 5/2018, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đã quyết định công nhận giống cà phê xanh lùn TS5 đạt tiêu chuẩn giống đầu dòng để sản xuất nhân rộng trên nhiều vùng sinh thái khác nhau. Theo đó, TS5 với những đặc điểm nổi trội như: Cây sinh trưởng khỏe, khả năng phát đọt, vươn cành mạnh mẽ; chiều cao 2 m, khép tán hình trụ với đường kính 2,5-3 m. Lá dài 24,5 cm, rộng 10,5 cm, khi ở giai đoạn thành thục có màu xanh đậm. Trái chín màu đỏ cam, dạng quả thuôn dài dễ hái. Năng suất giai đoạn kinh doanh bình quân 4-4,5 tấn nhân/ha/năm. Ngoài khả năng kháng bệnh rỉ sắt và chống chịu hạn hán, giống cà phê TS5 ít nhiễm các loại dịch bệnh thán thư, nấm hồng; ngoài ra canh tác khá thích nghi với điều kiện đất đai và khí hậu tại tỉnh Lâm Đồng, các tỉnh khu vực Tây Nguyên, khu vực miền Đông Nam Bộ…

Kết quả tính từ năm 2012 đến nay, mỗi năm “Trường Sơn” bán ra khoảng 500.000 cây giống cà phê xanh lùn TS5, giá 12.000 đồng/cây, thành tổng doanh thu 6 tỷ đồng. Trước đó, “Trường Sơn” đã khảo nghiệm thành công giống cà phê xanh lùn TS5 trên các vùng đất Bảo Lộc và Bảo Lâm qua các giai đoạn ghép tạo giống đầu dòng (năm 2004-2007), trồng kinh doanh quy mô vài hecta, đạt năng suất 3 tấn nhân/ha (năm 2007-2010), phát triển đại trà 20 ha, năng suất 5-7 tấn nhân/ha (năm 2010 đến nay). Và đây cũng là bước nối tiếp khởi nghiệp chọn tạo, ghép mới các giống cà phê được công nhận tiêu chuẩn đầu dòng từ thập niên đầu những năm 2000 gồm TS1, TS2 và TS4, mỗi giống tiêu thụ trên dưới 300.000 cây/năm.

Hình ảnh vườn cafe Xanh lùn
Vườn cafe Xanh lùn – Trí Việt Coffee

Kỹ thuật trồng cà phê xanh lùn

Tương tự kỹ thuật trồng cà phê ở Tây Nguyên, cách trồng cà phê xanh lùn cũng bao gồm các kỹ thuật: chọn đất, chuẩn bị đất trồng, thiết kế vườn cây, đào hố, trộn phân, trồng cây đúng khoảng cách mật đột và quy trình chăm sóc cà phê xanh lùn…

1. Đất trồng cà phê xanh lùn

Loại đất thích hợp nhất để trồng cà phê xanh lùn là loại đất tơi xốp, tầng đất dày, giàu dinh dưỡng và dễ thoát nước. Trong trường hợp trước đó là 1 kỳ trồng cà phê xanh lùn rồi thì bà con cần cải tạo kỹ lưỡng, cung cấp chất đất sạch, mới để sử dụng. Đặc biệt lưu ý bà con không nên trồng cà phê xanh lùn ngay sau 1 kỳ trồng cà phê trước nếu kỳ trước cây bị thối rễ, thay vào đó hãy luân canh một vụ với cây trồng khác rồi mới đưa cà phê xanh lùn mới vào trồng.

Sau khi đã chọn được đất trồng cà phê xanh lùn tốt, bà con tiến hành đào hố rộng 40cm, sâu 50cm. Trộn đều đất vừa đào với 10kg phân hữu cơ chăn nuôi hoai mục và 0.5kg lân rồi lấp xuống hố. Tưới nước ẩm hàng ngày để đất sau khoảng 1 – 2 tháng mới tiến hành trồng cà phê xanh lùn.

2. Kỹ thuật thiết kế vườn cà phê xanh lùn

Trong các kỹ thuật trồng cà phê năng suất cao thì vườn cây được thiết kế như thế nào cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Kỹ thuật trồng cà phê xanh lùn cũng cần đảm bảo một số yêu cầu về thiết kế vườn cây như sau:

Đảm bảo chống xói mòn vào mùa mưa bão.

Đủ trang thiết bị bảo vệ cây cà phê chống lại các yếu tố gây bất lợi từ môi trường, khí hậu, thời tiết.

Các hoạt động chăm sóc và vận chuyển cần được cơ giới hóa.

Thiết kế vườn thành từng lô lớn, mỗi lô lớn dưới 20ha trong đó cạnh dài của những lô lớn song song với đường đồng mức. Trong mỗi lô lớn lại chia thành những lô nhỏ (1ha) để tiện chăm sóc và quản lý.

Xung quanh các lô lớn là đai rừng và và đường vận chuyển chính rộng từ 7 – 8m, đường phụ giữa các lô rộng khoảng 5m.

Trong trường hợp cà phê xanh lùn trồng trên vườn diện tích nhỏ thì bà con không cần thiết phải phân lô cũng được nhưng vẫn phải trồng theo đường đồng mức.

Vườn cà phê xanh lùn - Trí Việt Coffee
Vườn cà phê xanh lùn

3. Cách trồng cà phê xanh lùn

Cà phê xanh lùn thích hợp trồng nhất vào đầu mùa mưa để đảm bảo đủ lượng nước cần thiết mà không tốn công đưa nước vào vườn. Mật độ trồng thích hợp nhất là khoảng 1.330 cây/ha, mỗi cây trồng 1 hố.

Dùng cuốc mổ lỗ giữa hố trồng rộng 15cm, sâu 25cm. Xé nilon ở bầu cây giống rồi đặt nhẹ nhàng vào giữa, giữ vị trí thẳng đứng lấp đất ngang mặt bầu và nèn chặt bằng tay. Trồng xong đánh bồn xung quanh hố trồng, ủ rơm rạ quanh gốc dày 20cm, cách gốc 20cm rồi phủ lớp đất mềm lên trên. Phun thuốc trừ sâu chống mối loại Confidor 100SL.

Vào mùa mưa có thể không cần che túp nhưng vào mùa nắng phải tiến hành che túp xung quanh chống gió, chống rét.

4. Chăm sóc cà phê xanh lùn

Chăm sóc đúng cách cũng là yếu tố quan trọng trong kỹ thuật trồng cà phê xanh lùn. Thông thường sau khoảng nửa tháng cây cà phê có thể bị chột hoặc chết mất một số cây nên bà con chú ý để trồng dặm bổ sung kịp thời. Kỹ thuật trồng dặm cũng tương tự cách trồng cà phê xanh lùn mới nhưng quá trình trồng dặm phải kết thúc trước khi hết mùa mưa 1.5 đến 2 tháng nếu không sau đó chăm sóc sẽ rất vất vả.

Thường xuyên loại bỏ cỏ dại để cây không bị cỏ ăn hết dinh dưỡng, có thể sử dụng thuốc hóa học để diệt một số loại cỏ khó làm thủ công như cỏ gấu, cỏ tranh… Ngoài ra, bà con cũng chú ý tủ gốc thường xuyên vừa giảm công làm cỏ lại vừa giữ được nước, điều hòa độ ẩm, độ tơi xốp cho đất.

5. Chế độ bón phân cho cà phê xanh lùn

Để đảm bảo đúng kỹ thuật trồng cà phê xanh lùn, mỗi năm bà con bón phân hữu cơ 1 lần ngay sau vụ thu hoạch. Áp dụng lượng bón khoảng 5 đến 10kg cho mỗi gốc, kết hợp với 0.5kg phân lân.

Lưu ý không bón trực tiếp vào gốc cây mà bón cách gốc khoảng 30cm. Đào rãnh rộng 20cm, sâu 20cm xung quanh gốc cây rồi bón phân vào, lấp đất che phủ. Trước mỗi lần bón phân cần làm cỏ sạch sẽ để dinh dưỡng không bị cỏ hấp thụ hết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *