Có rất nhiều cách pha cà phê, trong đó cà phê phin vẫn là cách quen thuộc và được sử dụng ở Việt Nam nhiều nhất. Bài viết sẽ hướng dẫn bạn cách pha cà phê phin chất lượng và ngon nhất nhé.
Cà phê phin là gì?
Cà phê phin là tên gọi cho món cà phê được pha bằng phin – là một vật dụng có hình dáng tương tự một chiếc cốc, dưới đáy có nhiều lỗ nhỏ li ti, kèm thêm một dụng cụ nén hình tròn đặt vừa vào trong cốc phin dùng để pha và lọc cà phê.
Đi tới bất kỳ quán cà phê nào ở Việt Nam, chúng ta cũng đều nghe thấy những tên gọi quen thuộc như: cà phê đen nóng/đá, cà phê sữa nóng/đá.
Đấy là hai dạng phổ biến của cà phê phin, tùy vào sở thích mà thực khách có thể lựa chọn uống cà phê phin nguyên chất vì vị đắng thơm của nó, cũng có thể thêm một ít sữa vào để ly cà phê trở nên ngọt béo hơn.
Phin pha cà phê thường được làm bằng chất liệu nhôm, một số ít khác làm bằng gốm sứ, có đường kính khoảng 7-10 cm đặt vừa lên chiếc cốc uống cà phê, phin bao gồm ba bộ phận: cốc phin, đĩa phin để nén và nắp phin.
Để có được ly cà phê phin thơm ngon, bạn cần phải nắm được kỹ thuật pha cà phê bằng phin thuần thục. Chúng tôi sẽ gửi đến các bạn bài hướng dẫn cách pha một ly cà phê phin chất lượng ngon nhất nhé.
Chuẩn bị để pha cà phê:
Cà phê: Cà phê nguyên chất, loại bạn yêu thích.
Phin: bạn cần một cái phin tốt, phin nhỏ, chắc chắn và làm chất liệu bằng nhôm hoặc inox là tốt nhất.
Hủ đựng cafe: Tốt nhất bạn nên đựng cafe trong hủ kín để giữ mùi được lâu. Thông thường, sau khi dùng xong, nếu cột bao bóng bạc không kĩ để lâu cafe sẽ mất mùi thơm.


Các bước pha cà phê phin ngon nhất:
Bước 1: Làm nóng phin pha cà phê
Tráng phin cà phê qua nước sôi trước để giảm lượng nhiệt mà phin hấp thụ, để khi pha thì cà phê sẽ nhận được lượng nhiệt đầy đủ hơn khiến cho ly cà phê vị đậm và thơm hơn.
Bước 2: Cho cà phê bột vào phin
Cho cafe vào phin tùy thuộc vào sở thích uống nhiều hay ít của mỗi người. Ở đây Retro thường cho cafe khoảng 20g/phin (chừng 1/3 phin) là hợp lý. Với 1 gói 250g, bạn có thể chế được 12 phin cafe nhé. Lắc nhẹ hoặc vỗ quanh phin để cafe phẳng hơn.
Dùng gạt ép cà phê rồi xoay nhẹ theo chiều kim đồng hồ cho cafe chặt vừa phải. Lưu ý không nên ép quá chặt hay quá nhẹ. Nếu ép chặt quá cà phê sẽ chảy rất lâu, còn ép lỏng quá cafe sẽ chảy rất nhanh, vị nhạt và bột cà phê sẽ nổi lên trên miếng gạt.


Bước 3: Ngâm cà phê
Quá trình này rất quan trọng để giúp cafe ra được hết chất. Bạn chế một ít nước vào phin, vừa đủ một lớp quanh bề mặt, đậy nắp lại và chờ khoảng 2 phút cho cafe ngấm nước và nở ra.
Bước 4: Chế nước
Chế nước vào đầy phin, tỉ lệ nước và cafe thường là 2:1. Bạn có thể cho nước ít hoặc nhiều hơn một chút tùy với thói quen uống loãng hay đặc. Thông thường cafe sữa Retro sẽ pha đặc hơn, còn cafe đen sẽ pha vừa phải.

Cafe pha đúng sẽ nhỏ từng giọt, nếu cafe chảy nhanh quá nghĩa là hạt cafe xay to hoặc do bạn ép chưa chặt. Cà phê rang xay vừa mịn, nên nếu chảy rất lâu nghĩa là bạn đã ép gạt quá chặt, lần sau bạn lỏng tay hơn xíu nhé.
Bước 5: Thưởng thức cafe
Cafe Đen:
Cho đường vào cafe, đánh tan trước khi cho đá vào. Đường phèn hoặc đường tán nhỏ uống đen là ngon nhất. Nếu bạn dùng đường cát trắng thì sẽ không tận hưởng được vị thơm của đường. Có nơi thích cafe lên nhiều bọt mới ngon, có nơi lại không ưng cách uống đó.
Thật ra, bọt ở đây chỉ tăng cảm giác thích thú khi đánh và tạo cảm giác ngon bằng mắt thôi chứ không ảnh hướng đến mùi vị cafe. Bạn có thể đánh nhiều hay ít tùy theo sở thích của mình nhé.
Người Sài gòn thích uống đá nhỏ, cho đá thật nhiều, rót cafe lên trên, uống ngụm lớn. Còn người miền Trung và miền Bắc sẽ uống đá viên to, lượng rất ít, đá sẽ lâu tan và luôn giữ được vị cafe đậm đặc.
Cafe sữa:
Với cafe pha đậm thì mực sữa cho gần bằng mực cafe là hợp lý nhất. Mỗi loại sữa đặc cũng có một vị khác nhau bạn nhé. Ngôi Sao Phương Nam có vị ngọt đậm và gắt hơn. Bạn nào thích uống vị ngọt thanh và beo béo có thể dùng sữa Hoàn Hảo.

Một bật mí nho nhỏ là sau khi trộn sữa đặc và cafe xong, bạn có thể cho vào ngăn lạnh chừng 5 – 10 phút, khi lấy ra sữa và cafe sẽ hơi đặc quyện lại, cho đá vào uống từng ngụm nhỏ, cha ơi là ngon. Nhớ uống cafe sữa với đá viên lớn để lâu tan bạn nhé.
Pingback: Tìm hiểu các cách pha cà phê trên thế giới | Trí Việt Coffee